Tài nguyên toàn cầu đang giảm dần, sự tăng trưởng dân số, sức tiêu dùng tăng cao của tầng lớp trung lưu và sự phát triển của thương mại điện tử qua nền tảng di động cùng với các “đại xu hướng” khác sẽ là sự thách thức chưa từng có đối với khả năng cải tiến của ngành công nghiệp bao bì.
Với một phần ba lượng thực phẩm được sản xuất cho con người tiêu thụ trên toàn cầu bị đánh mất hoặc lãng phí, tương đương với 1,3 tỉ tấn hằng năm, thế giới đang đối diện nhu cầu khẩn cấp nhằm giảm lượng thực phẩm bị hao phí. Đây là lĩnh vực mà công nghệ bao bì có thể đóng một vai trò lớn, khi mà lợi ích môi trường, kinh tế và nhân văn đang yêu cầu như thế.
Bao bì đóng vai trò quan trọng để bảo vệ thực phẩm và sản phẩm giải khát, tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và người tiêu dùng trở nên hiểu biết, sành điệu hơn thì thiết kế bao bì cũng trở nên quan trọng như chức năng của nó. Để cạnh tranh thành công, các công ty thực phẩm cần tìm những cách độc đáo để sự kết nối cảm xúc giữa người tiêu dùng với thương hiệu mạnh mẽ hơn và bao bì là một cách như vậy.
Ấn tượng đầu tiên với bao bì là rất quan trọng, nó nói với người tiêu dùng vì sao một sản phẩm hay thương hiệu lại khác biệt. Bao bì cần nổi bật với cách sử dụng màu sắc, vật liệu và thiết kế.
Khi mà nhiều người phải ăn, uống trong lúc di chuyển, họ muốn bao bì dễ mở, cầm, dễ sử dụng và dán lại. Thậm chí, với đồ uống, yêu cầu là phải uống được trong khi đi bộ và có thể đóng kín lại để tránh bị tràn đổ. Hơn nữa, bao bì cần nhìn bắt mắt vì người tiêu dùng muốn sản phẩm mang lại cả phong cách lẫn chức năng, nhất là khi họ đang di chuyển bên ngoài.
Vì vậy, kết hợp hình ảnh thương hiệu, khía cạnh trải nghiệm và cảm xúc với khía cạnh kỹ thuật và chức năng là điều quan trọng.
Với đà tăng trưởng của thị trường mua sắm trên mạng, các công ty thực phẩm cũng cần nghĩ đến người mua qua thiết bị kỹ thuật số khi thiết kế bao bì vì họ không chạm hoặc cảm nhận sản phẩm thật trong quá trình xem và quyết định mua hàng. Cần cân nhắc xem sản phẩm trông ra sao khi nhìn trên màn hình và được vận chuyển thế nào đến tay người tiêu dùng. Những thiết kế bao bì giàu tính sáng tạo cũng có nhiều cơ hội đẩy mạnh nhận biết thương hiệu khi được chia sẻ qua kênh mạng xã hội.
Để giảm chi phí và vận hành lưu kho, các nhà bán lẻ thúc đẩy việc đóng gói sẵn sàng cho bán lẻ (retail-ready packaging – RRP), hàng hóa chuyển đến nhà bán lẻ có thể sẵn sàng lên kệ ngay mà không cần phải tháo dỡ hay đóng gói lại.
RRP đang được chấp nhận và trở nên phổ biến ở thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều nhà bán lẻ đang yêu cầu RRP từ nhà cung cấp bên ngoài của họ. Khái niệm “Five Easys” (5 dễ dàng) của RRP hiện nay là: dễ nhận diện, dễ mở, dễ trưng bày, dễ mua sắm và dễ bỏ/tái chế. Đây là một nỗ lực nhằm tạo tiêu chuẩn, thước đo cho RRP.
Trong một cuộc khảo sát có tên “Future of Packaging: 2023”, 78% người tham gia trả lời bao gồm các nhà chuyên môn và đại diện thương hiệu tin rằng yêu cầu về phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn trong thời gian tới đối với ngành công nghiệp bao bì.
Nếu các công ty, nhà sản xuất bao bì và người tiêu dùng từng tập trung vào việc sử dụng lại vật liệu, giảm lãng phí và tăng sử dụng bao bì có thể dùng lại hoặc nén được, thì xu hướng hiện nay là tập trung vào các hệ thống lớn. Xu hướng này nhấn mạnh hơn vào “không rác thải” và phân hữu cơ – cả ở góc độ tiêu dùng và công nghiệp – bằng cách tận dụng vật liệu sinh học và tạo ra năng lượng hiệu quả từ rác thải.
Sự quan tâm của người tiêu dùng và nhà sản xuất thực phẩm đối với sự phát triển bền vững và giảm lãng phí thực phẩm đã định hướng cho những cải tiến bao bì gần đây như chức năng dán lại và đóng gói từng phần.
Những tiến bộ khoa học và công nghệ đã thúc đẩy các xu hướng sản xuất bao bì – cả về chức năng lẫn cảm xúc vui nhộn. Các vật liệu mới xuất hiện gần đây dùng để tráng phủ cốc và đĩa sử dụng một lần đã trở nên hiệu quả và có chi phí hợp lý hơn so với tráng nhựa, nhưng quan trọng hơn là dễ tái chế.
Bao bì thông minh là một xu hướng khác đến từ sự phát triển khoa học và công nghệ. Chẳng hạn, bao bì có thể điều chỉnh không khí để kéo dài thời gian sử dụng của thịt và công nghệ đổi màu trên bao bì và nhãn để biểu hiện mức độ tươi mới của thực phẩm. Cả hai đều giúp người tiêu dùng tránh lãng phí thực phẩm vẫn còn tươi dù hạn sử dụng ghi là “tốt nhất khi được dùng trước” và ngược lại tránh được trường hợp nhiễm bệnh do ăn, uống thực phẩm bị hỏng dù chưa hết hạn sử dụng dự kiến.
Truy nguyên nguồn gốc cũng là một vấn đề quan trọng. Những vụ bê bối về an toàn thực phẩm đã làm bật lên tầm quan trọng của việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và con đường đi của chúng. Nếu không thể đáp ứng điều này, các công ty có nguy cơ đánh mất sự tin tưởng của khách hàng, cũng như đối mặt với mối đe dọa cận kề hơn của một chuỗi cung cấp có thể bị nhiễm khuẩn.
Ngày nay, các công ty thực phẩm không chỉ được mong đợi mang đến những sản phẩm chất lượng cao, nhanh chóng hơn với giá rẻ hơn, mà còn phải cung cấp thông tin liên quan nguồn gốc thành phần và nguyên liệu của sản phẩm bao gồm bao bì, cũng như điều kiện sản xuất và vận chuyển trong chuỗi giá trị.
Thách thức cho các công ty thực phẩm và nhà sản xuất bao bì không chỉ là thích nghi với các xu hướng đã và đang hình thành, mà còn phải dự báo và tạo cảm hứng sáng tạo xu hướng mới thông qua sự quan sát và tư duy có tầm nhìn, để bao bì có thể đóng vai trò quan trọng chưa từng có trong cuộc sống hiện đại.